Tọa đàm góp ý các Báo cáo nghiên cứu về “Đại biểu Quốc hội trong quy trình lập pháp” và “Đại biểu Quốc hội trong quy trình giám sát”

Ngày 18/12/2020, tại hội trường Nhà khách Quốc hội, Thư viện Quốc hội phối hợp Quỹ Hanns Seidel tổ chức 02 Tọa đàm góp ý các Báo cáo nghiên cứu về “Đại biểu Quốc hội trong quy trình lập pháp” và “Đại biểu Quốc hội trong quy trình giám sát”.

Tham dự 02 Tọa đàm có các chuyên gia đến từ một số Ủy ban của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội khóa XIII giàu kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội và tác giả các Báo cáo cùng công chức Thư viện Quốc hội, đại diện Quỹ Hanns Seidel.

Ông Lê Hoàng Anh – Giám đốc Thư viện Quốc hội phát biểu khai mạc Tọa đàm

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Ông Lê Hoàng Anh - Giám đốc Thư viện Quốc hội nhấn mạnh: “Lập pháp và giám sát là hai chức năng quan trọng của Quốc hội mà quá trình hoạt động có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, phân chia theo nhiều giai đoạn khác nhau. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, với 2/3 số đại biểu Quốc hội là đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghị trường, trừ một số ít các đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu đã từng là công chức trong bộ máy giúp việc của Quốc hội. Do đó, nhu cầu nắm bắt nhanh chóng, chính xác quy trình, cách thức, kỹ năng, cơ chế hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ luật định của các đại biểu Quốc hội là rất lớn”.

Việc tổ chức Tọa đàm nhằm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu về sự tham gia của đại biểu Quốc hội trong quy trình lập pháp và giám sát sẽ là cơ sở để Thư viện Quốc hội xây dựng và thiết kế theo hướng mô hình hóa các vai trò của đại biểu Quốc hội trong quy trình lập pháp, giám sát thành bộ cẩm nang, hỗ trợ các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến vào Báo cáo nghiên cứu

 

Tại các cuộc Tọa đàm, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia tham gia Tọa đàm đều nhất trí với quan điểm của nhóm nghiên cứu, cho rằng việc xây dựng một nghiên cứu về lĩnh vực lập pháp, giám sát là một yêu cầu cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tế, đồng thời báo cáo nghiên cứu bổ ích không chỉ đối với những đại biểu Quốc hội khóa mới mà còn với tất cả những người đọc quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội và chuyên gia cũng đưa các ý kiến góp ý xác đáng mà Báo cáo cần bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện cả về nội dung và hình thức của báo cáo.

Toàn cảnh 02 Tọa đàm

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ông Lê Hoàng Anh – Giám đốc Thư viện Quốc hội gửi lời cảm ơn tới sự có mặt của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia tham dự và khẳng định những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ góp phần quan trọng để Thư viện Quốc hội hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu và mong muốn trong quá trình biên soạn nội dung Báo cáo thành cuốn cẩm nang, các vị đại biểu Quốc hội và chuyên gia sẽ tiếp tục có những đóng góp, hỗ trợ cho Thư viện Quốc hội.

Tiếp theo cuộc Tọa đàm này, sắp tới Thư viện Quốc hội sẽ tổ chức Tọa đàm về Báo cáo nghiên cứu “Đại biểu Quốc hội trong quy trình quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia”.