Lời giới thiệu

Thư viện Quốc hội là một đơn vị cấp Vụ thuộc Văn phòng Quốc hội được thành lập theo Quyết định số 1506/QĐ-VPQH, ngày 31/12/2013 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhằm thực hiện mục tiêu kiện toàn bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về việc chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Thư viện Quốc hội có chức năng thu thập, lưu trữ, bổ sung, xử lý nghiệp vụ vốn tài liệu và tổ chức cung cấp thông tin, dịch vụ nghiên cứu để phục vụ nhu cầu tham khảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thuộc Văn phòng Quốc hội.

 

Quang cảnh Thư viện Quốc hội Việt Nam

Mục tiêu phát triển của Thư viện Quốc hội là trở thành trung tâm tri thức khoa học lập pháp, cung cấp thông tin, tài liệu và dịch vụ nghiên cứu một cách đầy đủ, tin cậy, khách quan và kịp thời, phục vụ nhu cầu thông tin của các cơ quan của Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, cán bộ, chuyên viên Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thuộc Văn phòng Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Trong thời gian tới, Thư viện Quốc hội sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tăng cường vai trò là trung tâm tri thức khoa học lập pháp để hỗ trợ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Theo đó, quy mô của Thư viện Quốc hội dự kiến sẽ được nâng cao, ngang tầm với quy mô của các thư viện khoa học đa ngành của các bộ, ngành, viện nghiên cứu trong nước. 

Thứ hai, đáp ứng một cách đầy đủ, tin cậy, khách quan và kịp thời các yêu cầu cung cấp thông tin, nghiên cứu của các đại biểu Quốc hội để phục vụ hiệu quả việc thảo luận, thông qua các quyết định của Quốc hội.

Thứ ba, thực hiện các báo cáo nghiên cứu, báo cáo điều tra dư luận xã hội, điều tra xã hội học để cung cấp đầy đủ thông tin hỗ trợ thiết thực hoạt động thẩm tra các dự án, dự thảo, đề án của Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội.

Thứ tư, tổ chức thông tin về tổ chức và hoạt động của Quốc hội một cách hữu hiệu để phục vụ việc tiếp cận của công chúng, góp phần công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phục vụ công chúng trong việc tiếp cận tri thức.

Thứ năm, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các thư viện trong và ngoài nước, các viện, cơ quan nghiên cứu để tận dụng các tri thức liên quan đến hoạt động của Quốc hội phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Thư viện Quốc hội.